Vì được tổ chức vào cùng một ngày là ngày 15/7 tính theo lịch âm, nên nhiều người lầm tưởng lễ Vu Lan báo hiếu và lễ cúng cô hồn là một. Với các nhà nghiên cứu và những người đã biết cách phân biệt lễ Vu Lan và lễ cúng cô hồn thì có thể khẳng định: Lễ Vu Lan và lễ cúng cô hồn hoàn toàn khác nhau dù diễn ra cùng một mốc thời gian.
Lễ Vu Lan và lễ cúng cô hồn: ngày lễ mang giá trị nhân văn sâu sắc
Tháng 7 âm lịch là dịp đặc biệt với mỗi người con, đặc biệt là các Phật tử. Nguồn gốc và sự tích lễ Vu Lan được cho là bắt nguồn từ Bồ tát Mục Kiền Liên vì lòng hiếu đạo đi vào địa ngục cứu mẹ. Nhờ đức Phật chỉ cách phải cúng dường cho chư Tăng và nhờ phước lực của đông đảo mười phương Tăng chúng mà cứu được mẹ thoát khỏi chốn khổ đau.
Ngoài ra trong tháng 7 âm lịch còn có ngày lễ Xá tội vong nhân để cúng cho linh hồn đang còn vất vưởng, không nơi nương tựa. Nhiều người vẫn quen gọi là lễ cúng cô hồn. Nguồn gốc lễ cúng cô hồn được cho là bắt nguồn từ câu chuyện giữa đại đệ tử của Đức Phật là Tôn giả A Nan Ðà, với một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu) hay quỷ mặt cháy (diệm nhiên).
Theo tục lệ dân gian, cúng lễ tháng cô hồn là một nghi thức nhân văn. Bên cạnh việc thắp hương thờ cúng tổ tiên, nhiều gia đình còn cầu nguyện cho những linh hồn sa cơ, những vong linh ẩn dật cô độc, không nơi nương tựa tìm được chốn đầu thai, thoát khỏi cảnh không chốn dung thân ở nhân gian.
Dù có nguồn gốc khác nhau nhưng lễ Vu Lan và lễ cúng cô hồn đều mang giá trị tốt đẹp và ý nghĩa: khuyến khích con người làm điều thiện, điều phúc, báo hiếu cho cha mẹ, ân nhân, phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Làm lễ Vu Lan, cúng cô hồn Rằm tháng 7 sao cho đúng cách và hiệu quả?
Lễ Vu Lan ngày nay còn là dịp để con cái hiếu thảo với cha mẹ ngay khi cha mẹ còn ở trên cõi đời này. Cuộc sống có những lúc bận rộn, những cám dỗ mà quên dành thời gian cho gia đình. Ngày lễ Vu Lan thêm gợi nhớ mỗi người về gia đình, nguồn cội cùng những lời chúc Vu Lan ý nghĩa dành cho bố mẹ và người thân yêu.
Theo các nhà nghiên cứu dân gian, trong ngày cúng Vu Lan bao giờ cũng phải cúng tổ tiên nhà mình. Đồ cúng thường được chuẩn bị “Trên chay dưới mặn”. Tức là trên bày hoa quả, dưới làm cỗ mặn. Các món được chuẩn bị tùy theo điều kiện mỗi gia đình hoặc nấu các món ăn khi xưa ông bà thích. Nếu người nào là trưởng tộc, thì chỉ cúng xôi, thủ lợn, đuôi lợn và 9 bát xếp chồng lên nhau, 9 đôi đũa. Nếu không có lợn thì cúng gà. Nếu là con trưởng trong nhà thì cúng 1 mâm cơm tùy tâm. Tuy nhiên không thể thiếu 7 cái bát chồng lên nhau.
Nếu không phải con trưởng thì cúng 1 mâm cơm gồm nhiều đồ ăn và 5 cái bát tượng trưng cho ngũ đại đồng đường. Chú ý bát phải xếp chồng lên nhau. Số lượng bát cúng sẽ phụ thuộc vào gia chủ là con trưởng hay con thứ, tượng trưng cho các đời trong dòng tộc chứ không phải xếp 6 cái bát để các cụ ngồi thành một mâm như nhiều người nhầm lẫn.
Ngoài việc chuẩn bị mâm cơm cúng tổ tiên, các gia đình nên mua và chuẩn bị một ít đồ cúng cô hồn. Điều này xuất phát từ quan niệm dân gian vào tháng 7 âm lịch, Diêm Vương sẽ mở cửa Quỷ Môn Quan. Những ai có con cháu, các cụ sẽ được về ăn cỗ, còn những người không có con cháu, hoặc con cháu đi xa thì không được cúng kiếng. Mâm cúng cô hồn là để cho những chúng sinh ấy.
Lễ vật cúng cô hồn gồm có: các loại bỏng ngô, chè lam, kẹo vừng, cháo, tiền vàng, cốc nước lã hoặc rượu, đĩa gạo trộn lẫn với muối (đĩa này sẽ được rắc ra vỉa hè phía xa nhà), ngô, khoai lang luộc để cúng cho những cô hồn, ma đói không nơi nương tựa. Trong những ngày này, các gia đình không nên đốt quá nhiều vàng mã, nhưng nên có. “Cao nhất là 9 lễ tiền vàng và thấp nhất là 3 lễ, một bộ quần áo là được, để đổi lấy sự yên tâm, thanh thản trong tâm hồn” theo chia sẻ của các nhà nghiên cứu.
Cùng với các bước làm lễ, văn khấn, phóng sinh,… con cái sẽ tặng cha mẹ những món quà tặng lễ Vu Lan ý nghĩa do mình chuẩn bị để cảm ơn công lao dưỡng dục của bố mẹ cũng như chúc bố mẹ luôn mạnh khỏe, quây quần bên con cháu trong những ngày lễ Vu Lan sắp tới.
Bình Nguyên/Golden Gift Việt Nam
Bình luận