Ý nghĩa hình ảnh chú Dê trong nền văn hóa của Việt Nam và các quốc gia khác

Trong văn hóa Việt Nam, các nước Á Đông hay phương Tây, dê đều là biểu tượng tốt lành. Ngày nay, nhiều người chọn cách bài trí tượng Dê phong thủy mạ vàng trong nhà để cầu mong linh vật này sẽ mang lại may mắn cho cả gia đình.

Nằm trong tam sinh lục súc, dê là loài vật có ý nghĩa biểu tượng và giá trị tinh thần cao với con người. 

Dê là động vật được con người thuần dưỡng rất sớm. Từ thời tiền sử, hình tượng con Dê đã xuất hiện trong đời sống văn hóa, nghệ thuật, vật chất và tâm linh của nhân loại từ Đông sang Tây. Đầu dê có bộ sừng uốn cong được khắc vẽ trên vách đá, hang động cổ xưa. Vốn là động vật hiền lành, dễ thuần dưỡng và thân thiện với con người, nên hình tượng dê mang ý nghĩa tinh thần, văn hóa tâm linh và biểu tượng nghệ thuật cao.

Biểu tượng dê trong văn hóa Việt Nam – linh vật sức khỏe, thành đạt và may mắn

Dê là một trong sáu con vật nuôi thông dụng nhất bao gồm: Dê, gà, chó, lợn, ngựa, trâu; và cũng là một trong ba thứ lễ vật đặc biệt để làm lễ cúng tế: Dê, lợn, bò. Trong hệ lịch Can Chi 12 con giáp, Dê là con giáp thứ 8, biểu tượng của chi (năm) Mùi. Đây là một chi quan trọng mang ý nghĩa triết lý và nhân văn sâu sắc.

Người xưa cho rằng, những người sinh năm Mùi thường mưu trí, nhiệt tình, năng động, tài giỏi, gặp nhiều may mắn và hạnh phúc. Vì thế mà có câu ca dao: “Người ta tuổi Ngọ tuổi Mùi/Riêng tôi ngậm ngùi mang lấy tuổi Thân”.

Không chỉ người tuổi Mùi mà người sinh giờ Mùi cũng được linh vật này bổ trợ rất tốt. Từ 13h – 15h chính là giờ Mùi, khoảng thời gian mở đầu buổi chiều khi con người vừa ăn trưa xong, đang nghỉ ngơi thư giãn để có được tinh thần tốt nhất vào giờ làm việc tiếp theo. Tháng Mùi là tháng 6 âm lịch, khi thời tiết rực rỡ nhất trong năm. Vạn vật tươi tốt, cây cối đơm hoa kết trái. Với những ý nghĩa ấy mà hình tượng Dê phong thủy là biểu tượng của sự tốt lành, may mắn và thành đạt.

Tượng Dê mạ vàng gắn liền với sự tốt lành, tài lộc và công danh

Trong văn học, dê là hình ảnh tiêu biểu được nhiều thi sĩ, nhà văn sử dụng. Trong đó phải kể đến áng văn chính luận sắc bén Hịch tướng sĩ của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn: “Tặc lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ”. Hay mỗi khi nhắc đến hình ảnh dê trong trò chơi dân gian, người ta nghĩ ngay đến thú vui của tuổi thơ qua trò “Bịt mắt bắt dê”.

Hình tượng dê trong văn hóa Việt còn hiện lên ở nhiều khía cạnh như: kiến trúc, tranh ảnh, hội họa,… Tựu chung, dê đều là đại diện cho những gì tốt đẹp mang đến cho con người.

Hình tượng Dê trong văn hóa Tây phương

Trong văn hóa phương Tây, dê cái là hình ảnh đáng kính trọng trong các câu chuyện huyền thoại, là nghĩa mẫu của thần Dớt. Sừng dê cái là biểu tượng cho sức sản sinh và sự phồn thịnh. Ngược lại, dê đực tượng trưng cho mãnh lực và nhu cầu tình dục. Nếu Thần thoại Hy Lạp có vị thần dê Pan là vị thần của sự hoang dã, bảo trợ cho những người chăn cừu và các đàn gia súc, vị thần của tự nhiên và những ngọn núi hoang vu, của việc săn bắn và âm nhạc đồng quê. Thì dê trong thần thoại Bắc Âu là loài kéo cỗ xe của thần sấm Thor. Mỗi khi có tiếng sấm, người Bắc Âu cổ xưa cho rằng thần Thor đang cưỡi cỗ xe của ngài đến.

Thời La Mã cổ đại, trong dịp tế lễ đầu năm, các thầy cúng thường dâng lên thần linh một con dê và một con chó để cầu cho mưa thuận gió hòa. Da dê sau đó được chia ra thành từng mảnh nhỏ để các chàng trai mang theo mình như bùa hộ mệnh, còn phụ nữ tìm cách chạm vào miếng da dê tế thần để gặp điều tốt lành cho chuyện sinh nở sau này.

Như vậy, dù ở trong văn hóa Việt Nam, các nước Á Đông hay phương Tây, dê đều là biểu tượng tốt lành. Ngày nay, nhiều người chọn cách bài trí tượng Dê phong thủy mạ vàng trong nhà để cầu mong linh vật này sẽ mang lại may mắn cho cả gia đình.

Tuyết Hồ/Golden Gift Việt Nam

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Bài viết mới nhất

    Bài viết liên quan