Xông đất đầu năm, nguồn gốc và ý nghĩa của tục xông nhà đầu năm mới

Với mong muốn đem lại sự may mắn, hạnh phúc, bình an… cho cả gia đình khi bắt đầu một năm mới, từ xa xưa, ngay sau giờ phút giao thừa vào ngày Tết Nguyên đán người Việt đã có tục lệ “xông đất đầu năm”. Đây là một trong những tục lệ của cha ông còn lưu truyền cho đến ngày nay.

Hầu như ai cũng biết về tục xông nhà hay còn gọi là tục xông đất đầu năm nhưng để hiểu cặn kẽ về tập tục tục này cũng như nguồn gốc và ý nghĩa của tục xông đất đầu năm thì không phải ai cũng biết. Hôm nay các bạn hãy cùng Golden Gift Việt Nam tìm hiểu để rõ hơn về tập tục này nhé.

Xông đất là gì?

Xông đất hay còn gọi là đạp đất, xông nhà là tục lệ đã có từ lâu đời ở Việt Nam. Người xưa quan niệm rằng, người đầu tiên đến chúc Tết gia đình nếu là người hạp tuổi với gia chủ thì nguyên một năm, gia chủ sẽ gặp nhiều điều may mắn, tài lộc đến nhà. Cho nên cứ cuối năm, mọi người cố ý tìm xem những người trong bà con hay láng giềng có tính vui vẻ, linh hoạt, đạo đức và thành công để nhờ sang thăm. Người đến xông đất thường chỉ đến thăm, chúc tết chừng 5 đến 10 phút chứ không ở lại lâu, cầu cho mọi việc trong năm của chủ nhà cũng được trôi chảy thông suốt.

Ý nghĩa của việc xông đất

Tục xông đất là phong tục có từ lâu đời của người Việt. Mỗi phong tục tập quán đều có những ý nghĩa nhất định, theo quan niệm truyền thống của người Á Đông thì ngày mùng 1 của năm sẽ có những ảnh hưởng lớn đến các ngày còn lại. Nếu ngày mùng 1 mọi chuyện suôn sẻ thì người ta tin rằng cả năm sẽ được an lành, nhiều điều may mắn, vạn sự như ý.

Theo quan niệm truyền thống, sau thời điểm giao thừa thì người nào bước vào nhà đầu tiên cùng với lời chúc mừng năm mới thì đó là người xông đất. Thông thường gia chủ sẽ có ý định mời người nào đó xông đất cho nhà mình. Người được mời xông đất sẽ được gia chủ sẽ dựa vào sức khỏe, đức tài, sự thành đạt…để dự đoán vận hạn của gia đình mình trong năm.

Hầu hết ở mọi nơi trên dải đất hình chữ S, phong tục xông đất đều tương tự như nhau. Người đến xông đất thường đem theo những phong bao lì xì để mừng tuổi trẻ con, người già và chúc mừng năm mới đến toàn thể gia đình. Sau đó, người xông đất sẽ được gia chủ chúc mừng năm mới và ngồi chơi nói chuyện chỉ khoảng 5 đến 10 phút rồi xin cáo từ chứ không nên ở lại lâu. Tục xông đất thể hiện tinh thần hướng đến những điều tốt lành, may mắn và cầu mong một năm mới mọi sự đều thuận lợi cho các thành viên trong gia đình.

Một số gia đình chọn hình thức xông nhà theo cách chọn một người trong gia đình mà hiền lành, tốt vía và mát tay sẽ ra khỏi nhà trước thời khắc giao thừa. Người này đi xin lộc ở chùa, đi cúng bái sau đó về nhà sau thời điểm giao thừa. Người này sẽ tự xông nhà và hứa hẹn sẽ đem lại an lành và may mắn cho cả gia đình. Bằng cách này, sẽ không phải nhờ đến người xông nhà, tục lệ xông nhà sẽ diễn ra suôn sẻ và nhanh chóng, hứa hẹn một năm cũng suôn sẻ và mọi sự thuận lợi.

Chọn tuổi người xông đất

Một người tốt bụng và tài giỏi sẽ đem đến những điều tốt đẹp, an lành đến với gia đình. Thế nhưng một yếu tố nữa cần phải cân nhắc đó là chọn người hợp tuổi để nhờ xông đất. Người ta có thể chọn những người tam hợp hay nhị hợp với tuổi của gia chủ. Người được nhờ xông đất cũng có nhiều người băn khoăn rằng không biết mình xông đất thì có đem lại những điều tốt đẹp cho gia chủ hay không. Tuy nhiên, mọi sự tại tâm nên nếu tâm tưởng tốt đẹp thì sẽ mang đến những điều tốt cho người khác.

Theo thời gian nhiều phong tục cũng đã thay đổi để phù hợp với xã hội, tuy nhiên tục xông đất vẫn được người dân xem trọng, nhưng cũng đã có sự thay đổi nhẹ nhàng hơn là không quá xem trọng giới tính của người xông đất nữa. Hầu hết hiện nay các gia đình xem việc xông đất là lộc trời cho nên cứ thuận theo tự nhiên, không chuẩn bị người xông đất.

Với những thông tin mà chúng tôi chia sẻ ở trên mong rằng bạn đã hiểu hơn về tục lệ xông đất của người Việt. Chúc bạn và gia đình năm mới thật nhiều niềm vui, hạnh phúc và gặp nhiều may mắn.

Kim Chi/ Golden Gift Việt Nam.

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Bài viết mới nhất

    Bài viết liên quan