Nguồn gốc và ý nghĩa ngày Vu Lan là gì? Tại sao lại có ngày báo hiếu cha mẹ?

Rằm tháng 7 sắp đến gần, hãy cùng Golden Gift Việt Nam tìm hiểu về nguồn gốc và ý nghĩa ngày lễ Vu Lan đặc biệt này nhé!

Trong truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” dân tộc ta, thì ngày Lễ Vu Lan báo hiếu không chỉ là ngày dành cho các Phật tử mà còn là mùa báo ân, báo hiếu của tất cả những người con dành cho bố mẹ mình – những vĩ nhân của cuộc đời mỗi người. Ngày lễ mang đậm nét nhân văn, làm rạng rỡ đạo lý đền ơn đáp nghĩa của dân tộc. Ngoài ra, đây còn là dịp mọi người tìm về cội nguồn.

Lễ Vu Lan là ngày nào trong năm nay?

Đại Lễ Vu Lan là sự kiện Phật Giáo có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh người Việt. Là ngày báo hiếu, nhắc nhở các thế hệ con cháu luôn nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của bậc làm cha mẹ, ông bà, tổ tiên cũng như thế hệ những người đi trước. Ngày lễ mang giá trị nhân văn "uống nước nhớ nguồn" "ăn quả nhớ kẻ trồng cây" được lưu truyền từ ngàn đời của dân tộc ta.

Lễ Vu Lan chính là ngày rằm tháng 7 hàng năm theo lịch âm. Theo đó, Lễ Vu Lan 2024 rơi vào chủ nhật, ngày 18 tháng 8 dương lịch (15/7 âm lịch).

Nguồn gốc sự ra đời ngày của Ngày Vu Lan

Theo truyền thuyết của Phật giáo, xưa kia ông La Bộc đi theo Ðức Phật. Sau khi tu hành đắc đạo đã trở thành Bồ tát Mục Kiền Liên có nhiều phép thần thông. Do mẹ đã qua đời nên Mục Kiền Liên luôn buồn rầu và thương nhớ. Vì muốn biết mẹ mình khi ấy ra sao, ông dùng “mắt thần” tìm kiếm bốn phương và thấy mẹ đang ở trong “cõi quỷ”. Mẹ ông bị hành hạ khổ cực vì bà từng gây nhiều tội lỗi khi còn sống. Mục Kiền Liên nhìn thấy vậy, ông xuống “cõi quỷ” và đưa mẹ bát cơm nhưng lại không được ăn.

Ông về hỏi Ðức Phật. Nghe vậy, Ðức Phật bảo dù tài giỏi thế nào Mục Kiền Liên cũng không thể cứu được mẹ, chỉ có một cách là hợp sức cùng mọi người. Rồi ngài thuyết kinh Vu lan khuyên đến ngày rằm tháng bảy, Mục Kiền Liên cùng mọi người sắm sửa cúng lễ sao thật thành tâm thì sẽ cứu được mẹ. Mục Kiền Liên làm theo lời Phật, cứu được mẹ.

Phật cũng dạy rằng: chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này. Từ đó, ngày lễ Vu Lan ra đời.

Ý nghĩa ngày lễ Vu Lan báo hiếu

Hằng năm đến mùa Vu Lan, trong đó đúng ngày rằm tháng bảy, mọi người lại cùng nhau bày tỏ tình cảm, lòng tri ân đối với ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Ðó là báo hiếu đối với công ơn của người sinh thành – đạo hạnh đứng đầu trong “tứ ân” ( Ân cha mẹ, ân thầy bạn, ân quốc gia xã hội và ân Tam Bảo) của đạo Phật.

Kinh Phật đã viết: “Ân đức cha mẹ vô cùng, kể không bao giờ hết”, “Tột cùng điều thiện, không gì bằng hiếu. Tột cùng điều ác, không gì bằng bất hiếu”. Vậy là khi lời của Ðức Phật về một yếu tố của đạo lý làm người cùng với với tình cảm của dân tộc đã “hòa quyện” để ra đời một mỹ tục văn hóa “Tu đâu cho bằng tu nhà – Thờ cha, kính mẹ ấy là chân tu”.

Nét đẹp ngày lễ Vu Lan trong đời sống xã hội

Bao đời nay, Vu lan trở thành một ứng xử mang giá trị nhân văn trong xã hội, góp phần duy trì và củng cố đạo lý trong gia đình, đề cao chữ hiếu để nhắc nhở đạo làm con. Hơn thế nữa, chữ hiếu trở thành một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá con người, mà nếu không thành tâm, nghiêm túc thực hành sẽ bị dư luận lên án, cộng đồng chê cười.

Chính vì thế, mùa Vu Lan đến là dịp để con cháu bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến các bậc cha mẹ, bằng những việc làm, cách thể hiện khác nhau, đều mong muốn cầu chúc cho cha mẹ luôn sống khỏe mạnh, thanh bình và an nhiên. Nhưng cho dù bằng cách nào đi chăng nữa, thì việc dành thời gian ở bên người thân, cùng nấu những bữa ăn ngon với mẹ, đàm đạo cùng cha, đi du lịch gia đình hay dành tặng cha mẹ những món quà tặng ý nghĩa là những việc làm thiết thực tuyệt vời nhất đối với cha mẹ của mình rồi.

Trịnh Liên/Golden Gift Việt Nam

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Bài viết mới nhất

    Bài viết liên quan