Khỉ đại diện cho năm Thân, là con giáp thứ 9 trong bộ lịch Can Chi 12 con giáp ở các nước Á Đông. Năm Khỉ được coi là một năm vô cùng may mắn bởi số 9 là con số thiêng và nhiều ý nghĩa biểu trưng. Chẳng hạn, số 9 là số lẻ, mang yếu tố dương tượng trưng cho sự chuyển động, sinh sôi, vượng cát. Số 9 là số lớn nhất của các con số dương, tượng trưng cho sung mãn, thành công, luôn ở đỉnh cao. Còn trong tiếng Hán, từ cửu vừa có nghĩa là số 9, vừa mang ý nghĩa lâu dài do hiện tượng đồng âm. Vì vậy, năm Thân cùng số 9 và bội số của 9 rất được yêu thích.
Khỉ – nguồn gốc của loài người
Mặc dù khoa học đã chứng minh loài linh trưởng trải qua khoảng thời gian hàng vạn năm dần tiến hóa thành con người; nhưng ở một số nền văn hóa, con người hiện nay là hiện thân của loài khỉ cổ đại.
Theo truyền thuyết Tây Tạng, người dân Tây Tạng là hậu duệ của một con khỉ. Dân tộc Miêu phía Nam Trung Quốc có truyền thuyết về sự xuất hiện loài người: Khi con người chưa xuất hiện, một đàn khỉ khi đi chơi trong hang động đã gặp được rồng thần. Rồng thần thổi hơi thở thần thánh của mình lên những con khỉ, làm cho chúng biến đổi thành con người hiện đại. Mỗi nền văn hóa khác nhau trên thế giới lại ẩn chứa sự khác biệt trong hình tượng của linh vật “giống” loài người.
Hình tượng loài khỉ trong văn hóa Trung Hoa
Khỉ hay vượn trong văn hóa Trung Hoa tượng trưng cho sự siêu việt, bất tử. Hình tượng khỉ nổi tiếng khắp Trung QUốc chính là Tề thiên đại thánh Tôn Ngộ Không. Tên gọi Tôn Ngộ Không mang nhiều ý nghĩa triết lý của đạo Phật. Tôn là đề cao. Ngộ là khai mở tâm thức, không còn mê muội. Không là bản thể, cốt lõi chung của muôn loài theo đạo Phật. Hành trình bảo vệ Đường Tăng đi lấy chân kinh của Tôn Ngộ Không chính là đại diện cho lòng kiên định, không khuất phục trước yêu ma, cái xấu, một lòng hướng thiện. Đó cũng là đích đến mà con người hàng hướng đến.
Loài khỉ trong văn hóa Nhật Bản
Khỉ đóng vai trò là thần bảo hộ và thần trung gian giữa thần linh – con người theo quan niệm của người Nhật Bản. Người nông dân miền Nam Nhật Bản thường cho khỉ ăn để bảo vệ mùa màng, xua đuổi sâu bệnh. Shogun đầu tiên của Mạc phủ Tokugawa là Tokugawa Ieyasu (1603-1605) đã suy tôn Thần Khỉ là vị thần bảo vệ sự yên bình của đất nước. Thần Khỉ giúp trấn áp con thủy quái tấn công loài người (hiện tượng động đất, núi lửa, sóng thần ở Nhật Bản)
Hình tượng khỉ trong văn hóa Ấn Độ
Người Ấn cũng có truyền thuyết lịch sử về vua Khỉ – vua Hanuman. Đây là một nhân vật trong thần thoại Hindu được để lại trong bộ sử thi Ramayana lừng danh. Qua những áng văn oai hùng, vua Khỉ Hanuman trở thành biểu tượng của sức mạnh và lòng trung thành. Hình tượng Hanuman còn xuất hiện nhiều trong các bản anh hùng ca của các dân tộc có ảnh hưởng của Ấn Giáo, ví như Xỉn Xay của Lào, Ramakiêng của Thái Lan, hay trường ca Riêm Kê của Campuchia.
Dấu ấn hình tượng khỉ trong văn hóa Việt Nam
Hình ảnh khỉ trong văn hóa Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng của hai nền văn hóa lớn là Ấn Độ và Trung Hoa. Thế nhưng, đó chỉ sự tiếp biến văn hóa để tạo nên những hình tượng riêng biệt, đậm chất văn hóa và con người Việt Nam. Trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể, hình ảnh con khỉ hiện lên sống động, gần gũi với đời sống thường ngày. Khỉ xuất hiện trong câu ca dao, tục ngữ với nhiều hàm nghĩa khác nhau: “Khỉ ho cò gáy”, “Rung cây dọa khỉ”,… Hay những từ ngữ vô cùng bình dị: “Khỉ gió”, “Khỉ khô”,…
Người dân Nam Bộ cũng dùng hình ảnh loài khỉ làm chủ đề chính trong một điệu lý của mình (Lý con khỉ). Trong nghệ thuật diễn xướng kịch hát Dukê của người Khmer Nam Bộ diễn tả con khỉ với 12 động tác: cười, lạy, gãi, khóc, nhảy, âu yếm, đau khổ… Tại Tĩnh Gia (Thanh Hóa) có một số làng, mỗi khi Tết đến xuân về đều tổ chức hội thổi cơm thi, trong đó có một tốp người đóng giả làm khỉ tinh nghịch, quấy rối, gây khó khăn cho các đội thổi cơm, tạo nên một không khí vui nhộn cho ngày hội.
Từ truyền thống đến hiện đại, khỉ đều hiện lên gần gũi và thân thuộc với con người, mang theo thông điệp của sự cát tường, như ý.
Mỗi dịp lễ Tết, sự kiện quan trọng của người tuổi Khỉ, đặc biệt là năm Thân; người Việt có thói quen tặng nhau những vật phẩm phong thủy liên quan đến loài khỉ. Trong đó, Tượng Khỉ phong thủy mạ vàng được biết đến như một quà tặng cao cấp và ý nghĩa mang lại nhiều may mắn, sự thành công trên con đường công danh – sự nghiệp.
Bình Nguyên/SHTT
Bình luận