Tổ chức lễ mừng thọ cho ông bà, cha mẹ nên chuẩn bị những gì

Lễ mừng thọ với nhiều người Việt Nam không còn xa lạ gì, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đây cũng là dịp để con cháu thể hiện lòng hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ. Lễ mừng thọ thường được diễn ra vào ngày đầu năm mới hoặc đúng ngày sinh nhật. Mỗi bữa tiệc mừng thọ thường được tổ chức vừa thân mật vừa ấm cúng đem lại niềm vui và hạnh phúc cho cả gia đình.

Thông qua buổi lễ mừng thọ ông bà, cha mẹ sẽ hạnh phúc hơn vì được con cháu hiếu thảo và luôn ở bên cạnh. Con cháu cũng thấy vui vẻ vì được báo hiếu và làm ông bà, bố mẹ vui lòng.

Vậy để tổ chức lễ mừng thọ chu toàn, trọn vẹn mà không tốn quá nhiều thời gian, công sức, chúng ta cần chuẩn bị trước những gì?

Tổ chức lễ mừng thọ cần chuẩn bị những gì

Qùa tặng

Người lớn tuổi thường quý những món quả thể hiện sự quan tâm từ con cái, cháu chắt hơn là các món quà đắt tiền. Vì thế hãy khéo léo hỏi thăm, gợi chuyện người thân để lựa chọn được một món quà mà ông bà thích nhất. Chú ý nên chuẩn bị quà tặng ít nhất 1 tuần trước ngày mừng thọ.

Thiệp mời

Nên gửi thiệp mời từ sớm để người thân, bạn bè có thể sắp xếp thời gian đến chúc mừng. Ngày nay các cửa hàng có in bán rất nhiều thiệp mời với mẫu mã phong phú, đẹp mắt, chỉ cần điền thông tin vào ô trống nên rất tiết kiệm thời gian.

Danh sách khách mời

Tiệc mừng thọ nên được tổ chức theo phong cách ấm cúng cùng với sự chung vui của toàn thể các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên nếu có thể bạn nên mời thêm hàng xóm và những bạn bè thân thiết. Nên báo trước với họ hàng và bạn bè trước khoảng 1 tuần để họ có thời gian sắp xếp.

Thọ đường

Thọ đường là nơi chúc thọ người già. Trong nhà tổ chức thọ tiệc, thông thường thọ đường được thiết đặt ở phòng khách. Nếu thọ tiệc được đãi ở nhà hàng, bạn có thể nhờ nhân viên hỗ trợ bố trí ở đó.

Hình ảnh cần được trang trí nổi bật nhất là chữ “Thọ”. Ngày nay, người ta thường treo bức hoành ngang ở thọ đường, trên bức tường chính diện thọ đường treo một chữ thọ hoặc hình bách thọ rất lớn. Một vài nhà còn dán chữ thọ hơi nhỏ ở cửa lớn, cửa hông, trên những vật dụng và thực phẩm có liên quan khác.

Dưới thọ đường, thông thường còn bày lễ án (là một chiếc bàn hình vuông), những vật bày lên trên thường là đào tươi, bánh ngọt, hoa tươi và các loại trái cây…

Trên bàn hương án, nên thắp nến cỡ lớn màu đỏ, trên mặt nến mạ vàng những câu chữ kiết tường như chữ “Phúc như Đông Hải, Thọ tỉ Nam Sơn”… Khi bắt đầu lễ thọ thì thắp nến, vừa có ý nghĩa chúc mừng, vừa tăng thêm bầu không khí vui vẻ.

Bên dưới thọ đường bày biện bàn tiệc để tiếp đãi khách mời, ngoài ra còn phải đặt một chiếc bàn trống ở góc phù hợp để bày biện quà tặng của khách mời.

Trình tự lễ mừng thọ

Tại buổi lễ mừng thọ, người chủ trì cho buổi lễ thường là con trai cả hoặc có thể mời người dẫn chương trình chuyên nghiệp.

Một buổi lễ hoàn chỉnh thường diễn ra theo trình tự sau:

1) Tuyên bố bắt đầu nghi thức chúc thọ người nào, bao nhiêu tuổi;

2) Con hoặc cháu út trong nhà đến đỡ nhân vật chính và mời ngồi vào ghế trước lễ án, chính giữa thọ đường;

3) Đại gia đình và khách mời đồng ca bài “chúc mừng sinh nhật”;

4) Các con cháu dâng hoa, hành lễ mừng thọ;

5) Nếu trong hàng khách mời có nhân vật quan trọng, cần phải giới thiệu. Nếu khách mời gửi thư chúc mừng, câu đối chúc mừng, thơ mừng thọ… người chủ trì chọn ra một vài bức tiêu biểu để đọc cho mọi người nghe

6) Người chủ trì giới thiệu sơ lược về cuộc đời và những đóng góp của nhân vật chính đối với gia đình, xã hội, thay mặt gia đình biểu thị lòng cảm tạ đối với khách mời đã đến dự;

7) Mọi người lần lượt đến chúc mừng nhân vật chính, đầu tiên là con cháu, kế đến là họ hàng thân thuộc, cuối cùng là bạn bè, đồng nghiệp…

8) Đại diện gia đình cảm tạ lời chúc. Trong trường hợp này, người xưa có quan niệm rằng bản thân nhân vật được chúc thọ sẽ không chính thức đáp tạ, cách làm này gọi là “tránh thọ”, biểu thị mình không muốn mọi người vất vả chúc thọ cho mình.

Tiệc mừng thọ

Tiệc mừng thọ là yếu tố quan trọng của lễ chúc thọ truyền thống. Thông thường, sau khi nghi thức chúc thọ kết thúc là mời dùng tiệc mừng thọ.

Trong thực đơn nên có món mỳ, vì theo quan niệm truyền thống, món mỳ biểu thị ước muốn sống lâu.

Đầu bếp phải biết chế biến và trang trí những món ăn có ngụ ý kiết tường, như “tùng hạc diên niên” chẳng hạn. Cầu kỳ hơn thì có phương diện món ăn, loại món ăn, tên món ăn. Số món ăn nên trùng với “số 9”, tổng số món ăn phải là 9 hoặc bội số của 9. Vì số 9 tượng trưng cho chữ cửu, nghĩa là lâu dài, có ngụ ý là “thiên trường địa cửu”, mong muốn cho người già được sống lâu trăm tuổi.

Trên đây là cách để tổ chức buổi lễ mừng thọ. Hy vọng rằng với những kinh nghiệm mà chúng tôi chia sẻ bạn sẽ dễ dàng để tổ chức được bữa tiệc mừng thọ cho ông bà, bố mẹ của mình nhé.

Ánh Dương/ Golden Gift Việt Nam.

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Bài viết mới nhất

    Bài viết liên quan