Tết với mùi nhang nghi ngút thơm thơm, bánh mứt đủ đầy, vui vầy sum họp và mâm cơm không thể thiếu chiếc bánh chưng xanh. Là món ăn không thể thiếu trong ngày tết Việt, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu hết được nguồn gốc và ý nghĩa của nó. Bài viết hôm nay Golden Gift Việt Nam sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguồn gốc và ý nghĩa của chiếc bánh chưng nhé!
Nguồn gốc của bánh chưng
Theo truyền thuyết, sau khi đánh giặc Ân, Vua Hùng thứ 6 ra lệnh cho các người con dâng lễ vật lên vua, lễ vật nào đặc biệt ý nghĩa, vua sẽ truyền ngôi lại cho người đó.
Các người con của vua đều tìm những của ngon, vật lạ dâng lên vua cha chỉ trừ người con thứ 18 của Vua Hùng là Lang Liêu tính tình thuần hậu, chí hiếu, song vì mẹ mất sớm, cũng như tài sản không giàu có như những người anh, Lang Liêu hổ thẹn chẳng có gì để dâng lên cho vua.
Lúc này trong cơn mê ngủ, Lang Liêu nằm mơ thấy vị thần mách bảo: "Vật trong trời đất không có gì quí bằng gạo, là thức ăn nuôi sống người. Nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng trưng Trời Đất. Lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột để tượng hình cha mẹ sinh thành”.
Lang Liêu tỉnh dậy và thực hiện theo để dâng lên Vua Hùng. Vua ăn thấy ngon và hỏi về ý nghĩa của bánh, sau khi nghe về câu chuyện do người con kể lại, vua xúc động và đặt tên bánh là "Bánh chưng" với hình vuông tượng trưng cho Đất, "Bánh giầy" với hình tròn tượng trưng cho trời.
Và như thế cứ đến ngày Tết, vua lệnh cho dân chúng làm hai loại bánh này để dâng lên tổ tiên cầu mong tổ tiên phù hộ mang đến vụ mùa thuận lợi cho một năm mới.
Ý nghĩa bánh chưng ngày tết
Ý nghĩa văn hóa
Theo quan niệm thời bấy giờ, bánh chưng có hình vuông, màu xanh, tượng trưng cho mặt đất. Bánh dầy hình tròn, màu trắng, tượng trưng cho trời, thể hiện triết lý Âm Dương. Bánh chưng âm dành cho Mẹ, bánh giầy dương dành cho Cha.
Bánh chưng, bánh giầy là thức ăn trang trọng, cao quý nhất để cúng Tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn, bao la như trời đất của cha mẹ.
Không những thế, do dân tộc Việt Nam ta trước đây được cho là có nền văn hóa lúa nước, chính vì vậy, bánh chưng Tết đã xuất hiện ở mâm cỗ thờ từ rất lâu, để thể hiện sự biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu đem lại cuộc sống ấm no cho con người.
Ý nghĩa về tinh thần
Chúng ta vẫn thường nghe "Tết sum vầy" hay "Tết sum họp". Trong ngày Tết cổ truyền hình ảnh gia đình quây quần cùng gói bánh chưng, ấm áp bên bếp lửa hồng chờ nồi bánh chín thật đẹp và ý nghĩa. Một cái Tết sẽ không thể trọn vẹn nếu thiếu đi màu xanh của bánh chưng, dù gia đình khá giả hay cuộc sống có bộn bề và nhiều lo toan nhưng những chiếc bánh chưng dâng lên bàn thờ gia tiên vào ngày Tết là chắc chắn phải có.
Thông thường các gia đình Việt có thói quen gói bánh vào ngày 27 và 28 âm lịch. Đây là khoảng thời gian kết thúc công việc sau cả 1 năm vất vả để chuẩn bị mọi thứ cho ngày Tết. Đây chính là dịp để ông bà, bố mẹ, con cháu và người thân sum vầy chào đón một mùa xuân mới với nhiều niềm vui và chúc nhau một năm mới an khang thịnh vượng.
Ý nghĩa sức khỏe
Ngoài ý nghĩa về văn hóa và tinh thần, bánh chưng còn có ý nghĩa rất lớn về mặt dinh dưỡng. Bánh chưng làm từ gạo nếp, đỗ xanh và thịt lợn... cung cấp cho cơ thể rất nhiều dưỡng chất cần thiết như: Protein, chất béo, vitamin và nhiều vi chất khác. Tuy nhiên, chỉ nên ăn vừa đủ, không nên ăn quá nhiều bánh chưng.
Bánh chưng, bánh giầy quả thật là một món ăn độc đáo có một không hai của dân tộc. Bánh chưng là một trong những bằng chứng cụ thể chứng tỏ văn hóa ẩm thực Việt Nam rất độc đáo, thể hiện sự sáng tạo ẩm thực không ngừng của người Việt Nam, và có nhiều tiềm năng khiến Việt Nam trở thành một cường quốc về văn hóa ẩm thực.
Bình luận