Nghệ thuật gói quà độc đáo của người Nhật

Phong tục tặng quà thể hiện nét đẹp trong văn hóa ứng xử cũng như quan niệm trong phép đối nhân xử thế của người Nhật Bản. Người Nhật quan trọng các mối quan hệ xã hội nên tặng quà được xem như một sợi dây gắn kết con người lại với nhau, giúp thể hiện tâm tư, tình cảm và sự trân trọng. Khi tặng quà, ngoài nội dung, ý nghĩa của món quà, người Nhật còn đặc biệt chú ý đến việc món quà đó được gói như thế nào, điều này rất quan trọng.

Đối với người Nhật việc chuẩn bị, trang trí và gói món quà còn quan trọng hơn giá trị của món quà đó. Chính bởi sự đặc biệt này, hôm nay Golden Gift Việt Nam sẽ cùng bạn tìm hiểu nghệ thuật gói quà độc đáo của người Nhật nhé!

Phong tục tặng quà có ý nghĩa như thế nào trong đời sống của người Nhật?

Phong tục tặng quà thể hiện nét đẹp trong văn hóa ứng xử cũng như những quan niệm trong phép đối nhân xử thế của người Nhật Bản. Người Nhật coi trọng cộng đồng và các mối quan hệ xã hội nên quà tặng được xem một sợi dây, một chất xúc tác để biểu hiện tâm tư, tình cảm, sự trân trọng với mọi người xung quanh mình. Cũng chính vì thế mà người Nhật không bao giờ xem tặng quà là một hành vi hối lộ. Họ cũng không quen tặng các món quà đắt tiền, mà giá trị thật sự của các món quà tặng chính cách thức món quà được chuẩn bị, sự tỉ mỉ, cầu kì trong cung cách chuẩn bị và trang trí món quà.

Văn hóa gói quà của người Nhật

Ý nghĩa của việc bọc quà

Ở Nhật, khi tặng quà, người ta thường quan tâm không chỉ đến nội dung mà cả cách bọc và giấy gói quà. Trong văn hóa Nhật Bản, việc gói quà quan trọng như chính món quà. Nếu việc tặng quà được xem như một hình thức giao tiếp giữa người tặng và người nhận thì cách gói quà đóng vai trò quan trọng trong việc định hình thông điệp liên quan đến món quà. Tóm lại, gói quà được coi là một phần của chính món quà, phản ánh cả món quà được tặng và cảm xúc đằng sau món quà. Khi nhận được một món quà, việc món quà đó có được bọc gói hay không khá quan trọng. Bạn cũng không nên mở quà ngay trước mặt người tặng, trừ khi đó là người nhà hay bạn bè cực kỳ thân thiết. Người nhận nên đợi đến sau khi mọi người về hết rồi mới mở quà.

Màu sắc của giấy gói

Đỏ: Màu đỏ tượng trưng cho những cảm xúc tích cực mạnh mẽ như năng lượng và sức sống nhưng nó cũng có thể là biểu tượng của sự tức giận, nguy hiểm, thô tục, sự quá ngưỡng và đôi khi là ham muốn tình dục. Thông thường, thông báo tang lễ là màu đỏ nên hãy tránh gửi thiệp màu đỏ. 

Vàng: Màu vàng tượng trưng cho sự can đảm, vẻ đẹp và tinh tế, sự quý phái và vui vẻ.

Vàng kim loại: Vàng kim loại được sử dụng rộng rãi trong trang trí, tượng trưng cho sự giàu có và uy tín.

Cam: Màu cam tượng trưng cho hạnh phúc và tình yêu.

Hồng: Màu hồng được xem như biểu tượng của mùa xuân, sự nữ tính, tuổi trẻ và sức khỏe tốt.

Xanh lá cây: Xanh lá là một màu sắc tích cực, đại diện cho sự sinh sôi, cuộc sống vĩnh cửu, sự trẻ trung và tươi mới. Xanh ô-liu cũng biểu tượng cho phẩm giá.

Xanh biển: Xanh biển là một màu nhẹ nhàng đại diện cho cuộc sống hàng ngày, sự tinh khiết và sạch sẽ. Nó cũng được coi là một màu sắc nữ tính.

Tím: Màu tím tượng trưng cho đặc quyền, sự giàu có và quý tộc.

Đen: Tương tự như văn hóa phương Tây, màu đen gắn liền với cái chết, sự diệt vong và nỗi buồn. Màu đen cũng là màu của sự bí ẩn và màn đêm. Nó đôi khi được xem là một màu không may mắn.

Nâu: Màu nâu biểu tượng cho Trái đất, sức mạnh và độ bền. Nó cũng là màu của gỗ. Trong tiếng Nhật, từ cha 茶 (trà) là một phần của từ chairo 茶色 (màu nâu).

Trắng: Màu trắng thường đại diện cho sự tinh khiết sạch sẽ và được xem như là một màu may mắn. Nó có thể tượng trưng cho cái chết và sự tái sinh. Đó là một màu phổ biến cho cô dâu và các đám tang. Ở Nhật Bản, cẩm chướng trắng tượng trưng cho cái chết.

Bạc: Bạc được sử dụng trong các công cụ và vũ khí, đại diện cho độ chính xác, nam tính và sức mạnh công nghệ cao.

Đỏ và Trắng: Sự kết hợp giữa màu đỏ và trắng đại diện cho sự ăn mừng và hạnh phục, kết nối năng lượng và sự tái sinh.

Đỏ và Đen: Sự kết hợp của màu đỏ và đen đại diện cho tình dục.

Các phong cách bọc quà

Người Nhật có nhiều quy tắc về cách gói quà tặng, phần lớn trong số đó liên quan đến cảm xúc đối với người nhận quà và thông điệp đằng sau món quà. Việc gói quà không đơn thuần chỉ để che kín món quà, mà còn để tôn giá trị của những đồ vật bên trong. Người Nhật có hai cách gói quà chính là Tsutsumi và Furoshiki.

Tsutsumi (còn gọi là Origata): Trong tiếng Nhật, tsutsumi - có nghĩa là “bọc gói”. Khía cạnh độc đáo của kỹ thuật này là giấy hoặc vải không bao giờ bị cắt mà thay vào đó, chúng được xếp nếp, gấp và buộc lại. Ở thời cổ đại Nhật Bản, giấy được cho là thần linh nên việc cắt giấy là một điều cấm kỵ. Mục đích của cách gói tsutsumi không phải là để che giấu món quà, mà là để tôn vinh và thể hiện phần nào đó món quà ở trong. Ví dụ, người Nhật thường biếu tặng cho nhau trà hảo hạng. Khi bọc trà đen (kocha), người ta sẽ để hở một khe nhỏ trên giấy gói đỏ rồi phủ một lớp bóng kính để người nhận có thể nhìn thấy một phần những gì ở trong gói.

Furoshiki: Furoshiki là kỹ thuật bọc quà bằng vải. Phong cách này phù hợp với quà sinh nhật, quà ngày lễ, quà mừng cưới, hoặc các món đồ tiếp thị và mua sắm hàng ngày. Ban đầu, furoshiki được sử dụng để bọc quần áo mang đến nhà tắm. Furoshiki được làm với nhiều kích cỡ khác nhau. Nó cực kỳ tiện dụng và có thể được gấp lại sau mỗi lần sử dụng để bọc hoặc mang theo một thứ khác. Bộ Môi trường Nhật Bản đã xúc tiến việc sử dụng furoshiki để thúc đẩy tái chế, vì vải có thể được tái sử dụng cho các dịp khác nhau, giúp giảm lãng phí giấy.

Như vậy chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về nghệ thuật gói quà độc đáo của người Nhật. Mong rằng bài viết của chúng tôi giúp ích được bạn.

Kỳ Uyên/ Golden Gift Việt Nam.

Bình luận

Gửi bình luận
Bình luận

    Bài viết mới nhất

    Bài viết liên quan